Tuesday, May 8, 2012

Phai kha thi de tranh lang phi

(HNM) - Kỳ họp thứ tư của HĐND TP khóa XIV vừa kết thúc. Đây là kỳ họp chuyên đề đầu tiên của khóa XIV bàn về quy hoạch - một vấn đề mà theo đánh giá của nhiều đại biểu là rất khó. Trong quá trình xem xét, thảo luận đã có nhiều ý kiến, kinh nghiệm được đúc rút đối với cơ quan soạn thảo, từng đại biểu và HĐND TP khi xem xét, thông qua quy hoạch ngành tại các kỳ họp sau…


Cần đặt trong mối quan hệ tổng thể

Trên cơ sở các nghị quyết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch tổng thể, căn cứ vào tình hình thực tiễn cũng như dự báo tình hình thời gian UBND TP Hà Nội đã lập kế hoạch, chỉ đạo xây dựng khoảng 200 quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực lớn nhỏ khác nhau, trong đó có 19 quy hoạch phải xin ý kiến của HĐND TP. Tuy nhiên, qua phát hiện của các đại biểu HĐND, trong 5 quy hoạch ngành được trình tại kỳ họp vừa qua nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp với thực tế và chưa thống nhất với chỉ tiêu trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt.

Chẳng hạn như trong quy hoạch phát triển tổng thể nông nghiệp, tổng diện tích các loại đất nông nghiệp trong quy hoạch là trên 200 nghìn héc ta. Song đang có sự chênh lệch giữa diện tích đất thực tế và trong quy hoạch bởi nếu đem diện tích đất trong quy hoạch cộng vào thì lại nhiều hơn diện tích đất hiện có trong thực tế (?). Đại biểu Lê Văn Thư (tổ Từ Liêm) cho biết, trong các quy hoạch được đưa ra bàn thảo có đề cập dân số Từ Liêm 300 nghìn người là số liệu lạc hậu cách đây 2 năm. Nếu tính theo số lượng dân cư thì Từ Liêm còn thiếu đến 15 trường trung học công lập trong những năm tới. Đại biểu đề nghị việc xây dựng các quy hoạch ngành phải đánh giá đúng thực trạng, thực tế khách quan và phù hợp với khả năng về nguồn lực thì mới bảo đảm tính khả thi khi ban hành. Còn theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông), đến tháng 7 tới HĐND TP mới xem xét, thẩm định về quy hoạch đất. Trong khi đó, tất cả các quy hoạch ngành lần này đều có nhu cầu sử dụng đất nhưng dường như chưa có sự gắn kết, đồng bộ giữa các quy hoạch. Đặc biệt là gắn quy hoạch ngành với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phân khu.

Và mang tính khả thi

Băn khoăn về tính khả thi của các quy hoạch dường như là mối quan tâm chung của nhiều đại biểu tại kỳ họp này. Sự lo lắng trên không phải là không có cơ sở. Bởi 5 quy hoạch ngành về y tế, giáo dục, thương mại, công nghiệp và nông nghiệp được xem xét, thông qua tại kỳ họp đã cần một quỹ đất và nguồn vốn rất lớn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, TP vẫn rất cần nguồn vốn và quỹ đất cho các quy hoạch khác.

Đơn cử, theo quy hoạch lĩnh vực thương mại, tổng mức đầu tư đến năm 2030 là 521.187 tỷ đồng. Nhu cầu quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng thương mại đến năm 2020 như chợ đầu mối nông sản, chợ chuyên doanh, dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị là 2.260,42ha. Trong lĩnh vực y tế, giai đoạn từ 2011-2015 dự kiến khởi công và xây mới 10 bệnh viện với tổng số giường bệnh là 3.850, tổng kinh phí 7.800 tỷ đồng với nhu cầu đất là 43,5ha. Giai đoạn từ năm 2016-2020, khởi công, xây mới 15 bệnh viện với tổng kinh phí 8.600 tỷ đồng, nhu cầu đất là 50,5ha. Về nhu cầu quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội đến năm 2030 cần xây mới 1.215 trường học với 12.165.854m2 đất, kinh phí 71.395 tỷ đồng (trong đó 29.155 tỷ đồng huy động từ cộng đồng)…

Cùng nhiều ý kiến khác, đại biểu Bùi Đức Hiếu (tổ Từ Liêm) băn khoăn, trong khi dân số cứ tăng lên nhưng trong 5 năm vừa qua chúng ta chưa hề xây thêm được một bệnh viện nào. Vậy mục tiêu đến năm 2015 xây mới 10 bệnh viện và 635 trường học vào năm 2020 liệu có quá nhiều? Quy hoạch cần mang tính sát thực, có tính khả thi, chứ không phải xây dựng quy hoạch cho đẹp hay quy hoạch xong để đấy.

Hay trong tính toán lấy đất để xây dựng trường học, theo quy hoạch là sử dụng quỹ đất 5% của các xã dành cho phục vụ công cộng. Tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác. Với các quận nội thành, sẽ ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ sở sản xuất, các trường cao đẳng, đại học, trụ sở các bộ, ngành trong khu vực nội thành ra ngoại thành. Ưu tiên dành quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu nhà ở đông dân cư để xây dựng trường học. Nhưng theo đánh giá của các đại biểu, điều này không khả thi bởi tại các khu đô thị khi xây dựng đều có quy hoạch xây dựng trường học, nhưng các nhà đầu tư chỉ chọn việc xây nhà, còn hạ tầng xã hội thì "đợi" nhà nước. Và ở các quận nội thành, đất của nhiều cơ sở sản xuất khi chuyển đi đã được biến thành khu dịch vụ, nhà ở.

Từ những thực tế nêu trên, các đại biểu HĐND kiến nghị khi xem xét, thông qua quy hoạch ngành cần phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với quy hoạch chung từ số liệu, mục tiêu, nội dung cho đến các giải pháp và đặc biệt là phải phù hợp với khả năng, nguồn lực về đất đai, vốn, nguồn nhân lực, công nghệ. Trong những trường hợp cần thiết, cần lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động lớn hoặc trực tiếp có ảnh hưởng. Quan trọng hơn, khi đã xây dựng được quy hoạch mang tính khả thi cao, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và mong đợi của cử tri thì cần chú trọng vào khâu tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch. Đây là khâu khó và yếu của Hà Nội hiện nay. Theo như cách nói của Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam, nếu không làm tốt sẽ lãng phí lớn về tiền của, công sức đã bỏ ra khi xây dựng quy hoạch và có lỗi với cử tri.

Theo www.baomoi.com

No comments:

Post a Comment