Sunday, May 6, 2012

Can phat trien cho - trung tam thuong mai hop ly

Kinh Doanh | private education |

(HNM) - Cùng với việc đô thị hóa nhanh, tình trạng chợ dân sinh cũng dần biến mất nhường chỗ cho các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM). Thực tế này đã làm nhiều chuyên gia về đô thị cũng như người dân băn khoăn, trăn trở...

Các nhà quản lý cần có kế hoạch phát triển chợ - trung tâm thương mại hợp lý để phục vụ nhu cầu của người dân.

Mỗi vùng đất thường có một chợ riêng và lưu giữ độc quyền một giá trị, chẳng hạn như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), chợ Hàn (Đà Nẵng), chợ Sa Pa (Lào Cai), chợ Đông Ba (Huế)... Và mỗi chợ dân sinh như vậy đều phát huy hiệu quả phục vụ nhu cầu người dân, từ những người dân nghèo nhất. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị, các siêu thị, TTTM xuất hiện ngày càng nhiều, từng bước chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong đô thị, nên đã làm cho không ít các chuyên gia cũng như người dân trăn trở, băn khoăn. Riêng ở Hà Nội, chợ Cửa Nam chỉ còn lại cái tên, bởi sau khi khai trương (năm 2009), có ngân hàng đã thuê lại toàn bộ tầng 1 của tòa nhà, biến không gian công cộng thành không gian riêng. Những người dân các tuyến phố xung quanh cũng mất dần thói quen đến chợ Cửa Nam. Với chợ Hàng Da, sau hai năm xây lại, đưa vào sử dụng có tên mới: TTTM Hàng Da, xem ra có vẻ như hoàn thiện hơn. Đó là diện tích dành cho chợ dân sinh khá ưu ái với hai tầng (tầng hầm là khu thực phẩm, đồ gia dụng; tầng 1 dành cho khu quần áo, rượu...). Từ tầng 2 đến tầng 4 của tòa nhà về đúng bản chất là TTTM, là nơi hội tụ của các thương hiệu thời trang cao cấp... Tuy nhiên, hội tụ được từng ấy ưu điểm cũng không có nghĩa là TTTM Hàng Da đã có được sự buôn bán sầm uất tấp nập như trước đây...

Cũng có không ít chuyên gia cho rằng, chợ truyền thống, chợ cóc... là nguyên nhân làm mất vẻ mỹ quan đô thị và mất an toàn thực phẩm, cho dù thực tế có nhiều nguyên nhân từ phía quản lý, kiểm tra giám sát của chính quyền chưa hiệu quả. Theo suy nghĩ này, vấn đề của các chợ truyền thống là không gian chật hẹp, vệ sinh môi trường không phù hợp với thành phố hiện đại. Vì vậy, việc nâng cấp, đóng cửa một số chợ, xóa chợ cóc, chợ tạm là cần thiết để bảo vệ mỹ quan đô thị... Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tạo không gian cho chợ tạm, những tuyến đường cho người bán hàng rong, vì các chợ như thế mới tạo nên thành phố công cộng. Khẳng định chợ dân sinh là quan trọng đối với các thành phố có điều kiện sống tốt, nhiều thành phố ở các nước phát triển đang phải tốn kém nhiều kinh phí để khôi phục chợ dân sinh. Tất nhiên, việc giữ lại chợ dân sinh phải song hành với việc cải thiện những điều kiện chưa tốt của nó. Bởi, thời gian qua, người dân sống tại các khu đô thị, khu tái định cư đã phàn nàn nhiều về việc thiếu các công trình hạ tầng xã hội, trong đó có chợ. Nguyên nhân là do quy hoạch không xác định đất xây chợ, vì với quan niệm đã là khu đô thị phải làm siêu thị mới xứng, mới văn minh. Trên thực tế, đa số người mua sắm tại siêu thị là người trẻ và thu nhập khá, còn đại bộ phận các bà nội trợ vẫn thích mua ở chợ vì thực phẩm tươi sống hơn, đa dạng hơn, giá rẻ hơn.

Từ thực tế diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đã đánh giá, phần lớn các chợ mới được thiết kế với mục đích để trở thành TTTM hơn là những nơi cung ứng thực phẩm tươi sống với giá hợp lý đến từ các vùng ngoại thành lân cận. Với quan điểm như vậy khiến cho chợ dân sinh chưa được bảo vệ và đánh giá đúng vai trò trong khi chợ dân sinh tại Hà Nội không dừng lại là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị tinh thần, gắn liền với thói quen mua sắm nhiều năm nay của người dân. Một số chợ dân sinh tại Hà Nội là một phần của bản sắc văn hóa và lịch sử của thành phố. Theo Hội Siêu thị Hà Nội, mô hình chợ - TTTM hiện nay không có lỗi, bởi đây là mô hình phát triển tất yếu trong tương lai, mà vấn đề ở đây là do cách điều hành, bố trí chưa khoa học và chưa tính đến thói quen mua sắm tiện lợi của người dân. Một khác biệt lớn so với trước đây là chợ mới đều thực hiện theo hướng xã hội hóa, do các doanh nghiệp đầu tư. Mỗi TTTM đều được đầu tư lớn cả trăm tỷ đồng và yêu cầu đặt ra là phải đẩy nhanh thu hồi vốn, không thể áp dụng quy trình thu hồi như khu chợ dân sinh. Tiểu thương buôn bán nhỏ cần được ưu tiên và ưu đãi kéo dài thời gian thu hồi vốn, có thể sẽ phải xác định là đến 20 năm. Vốn thu hồi lâu, nhưng lại đòi hỏi phải có sự tính toán, cân nhắc khi đầu tư, không thể xem nhẹ thói quen mua sắm của dân mình. Hiện nay cần thu hút các nhà bán lẻ vào chợ để phủ kín diện tích, song không phải ai đăng ký cũng duyệt. Đưa cả chợ và siêu thị vào cùng một nhà, hai người bán cùng mặt hàng, mặc dù ở mỗi tầng khác nhau cũng sẽ nảy sinh sự cạnh tranh không lành mạnh...

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục có những chợ - TTTM ra đời. Vì thế, các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần có kế hoạch phát triển chợ - TTTM sao cho hợp lý, tạo thuận lợi phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.


Theo www.baomoi.com

No comments:

Post a Comment